menu_open
Cập nhật: 08/06/2024 11:53:19 SA
Xem cỡ chữ:
BẢN TIN FESTIVAL SỐ 3: Huế rộn ràng trong không khí Lễ hội
Tối 7/6, trong không gian đặc biệt về lịch sử, văn hóa và kiến trúc - điện Kiến Trung, Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 đã chính thức khai mạc. Huế bắt đầu mùa lễ hội rực rỡ sắc màu, rộn ràng âm thanh chào đón du khách bốn phương.
Tối 7/6, trong không gian đặc biệt về lịch sử, văn hóa và kiến trúc - điện Kiến Trung, Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 đã chính thức khai mạc. Huế bắt đầu mùa lễ hội rực rỡ sắc màu, rộn ràng âm thanh chào đón du khách bốn phương.

* Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành trung ương; ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các vị đại sứ các nước; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Ban tổ chức Festival Huế, các nhân sĩ trí thức và hàng ngàn du khách, Nhân dân Thừa Thiên Huế.

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng Lê Hoài Trung đánh giá cao Thừa Thiên Huế ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực. Festival Huế đã có những bước tiến dài, thể hiện những đặc trưng văn hóa của dân tộc, của Cố đô Huế, và ngày càng có tính quốc tế, nhờ vậy, vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội, vừa thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hoá, trọng văn hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Ông Lê Hoài Trung cũng yêu cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hoá Huế. “Trong nỗ lực chung đó, chúng ta mong rằng Festival Huế sẽ vươn lên thành diễn đàn khu vực của hội tụ và giao lưu văn hoá”, ông Trung nói.

Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo của lịch sử, văn hóa, di sản, Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Huế thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế”.

Tiếp nối thành công của các kỳ Festival, Tuần lễ Festival Huế năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng. Bên cạnh các chương trình trong Đại Nội, Ban tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn phục vụ người dân; đồng thời tại một số địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật để Nhân dân và du khách không chỉ đắm mình trong không gian lễ hội, mà còn được hòa mình vào với âm thanh, ánh sáng của những chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Trước đó, Chương trình “Khai hội” tại Quảng trường Ngọ Môn lúc 17h30 cùng ngày là hoạt động mở màn cho Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024. Chương trình là sự kết hợp giữa diễn xướng nghi lễ truyền thống cung đình, với kèn lệnh, trống hội và khai hoả đại bác chào đón.

Sau 24 năm với 11 kỳ tổ chức, Festival Huế đã trở thành điểm hẹn văn hóa của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, và là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch, nghệ thuật nổi bật của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. 

Từ “Bừng sáng miền di sản” mở màn cho chương trình nghệ thuật khai mạc trong không gian lung linh, rực rỡ của cung điện độc đáo bậc nhất Hoàng thành Huế, với sự giao hoà của Nhã nhạc Cung đình Huế - loại hình âm nhạc đặc biệt, thấm đẫm nét văn hoá Huế cùng ca khúc Bừng sáng Kinh đô. Tiết mục được trình diễn bởi 360 diễn viên trên nền sân khấu lộng lẫy nhờ ứng dụng công nghệ chiếu sáng 3D Mapping hiện đại.

Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc là tổng hoà nhiều loại hình nghệ thuật, với cấu trúc chặt chẽ, bằng ngôn ngữ hiện đại trên nền chất liệu và bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình gồm 3 phần: “Cố đô diệu kỳ”, với diễn trình gần 720 năm lịch sử để làm nên Thừa Thiên Huế hôm nay rạng rỡ cùng nhiều di sản, ngời theo năm tháng “Kinh đô xưa như vẫn còn đây với lâu đài in bóng, cung điện nguy nga”. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc, hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc, để Huế hôm nay là nơi giao lưu, hội tụ văn hoá cùng muôn phương. 

“Hội tụ âm nhạc” là chuỗi 5 tiết mục ấn tượng của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế với những âm điệu ngọt ngào, vũ đạo kinh điển và những vũ điệu sôi động, phóng khoáng. Và, “Rạng rỡ ngàn sau” với hình ảnh Huế chuyển mình bừng sáng, bao danh lam quyến rũ lòng người như ước hẹn ngàn năm. Đêm khai mạc đã tạo nên một dòng chảy hài hoà về chủ đề “Rạng rỡ ngàn sau”. Để Huế bước tiếp một hành trình mới, Di sản Cố đô qua các kỳ Festival sẽ không ngừng hội nhập, lan tỏa các giá trị truyền thống cho hôm nay và mai sau. 

Sau lễ khai mạc, Festival Huế 2024 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa cung đình và dân gian, nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội hấp dẫn và những hoạt động hưởng ứng, cộng đồng đặc sắc diễn ra từ ngày 8 -12/6

* Hưởng ứng chuỗi sự kiện chào mừng Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, sáng 7/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Lễ Khánh thành dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ” thuộc Quần thể di tích lăng Vua Thiệu Trị, xã Thuỷ Bằng, thành phố Huế.

 

Đến dự, có các ông: Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành; các nhà nghiên cứu và các thành viên gia đình họ Phạm Đăng.

Khu lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ (còn có tên gọi là Xương Thọ lăng) thuộc Quần thể di tích lăng vua Thiệu Trị, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Hoàng Thái hậu Từ Dũ (tên húy là Phạm Thị Hằng). Bà là trưởng nữ của Lễ Bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (1764 – 1825), quê quán tại giồng Sơn Quy, thôn Tân Niên Đông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay là xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà vốn là Quý phi của vua Thiệu Trị và là mẹ ruột của vua Tự Đức.

Lăng Bà được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, nằm trong tổng thể cảnh quan lăng vua Thiệu Trị, có bố cục theo hướng “nội quan, ngoại quách”. Đây cũng chính là hình thức kiến trúc điển hình từ thời các vị chúa Nguyễn. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, tổng thể lăng Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, qua quá trình tác động của lịch sử và điều kiện môi trường tự nhiên bất lợi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nguyên vẹn của di tích.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, với sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, những người yêu mến Huế, đặc biệt là gia đình ông Huỳnh Văn Mạnh và bà Phạm Đăng Tuý Hoa (đại diện gia đình họ Phạm Đăng) đã tài trợ kinh phí thực hiện dự án thông qua Quỹ Bảo tồn di sản Huế được Chính phủ thành lập theo Nghị định 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022, với tổng số tiền gần 6,9 tỷ đồng và 49 cây tùng La Hán.

“Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ” là dự án đầu tiên được sử dụng hoàn toàn kinh phí tu bổ từ nguồn xã hội hoá thông qua Quỹ Bảo tồn di sản Huế và là đóng góp vô cùng quan trọng của dòng họ Phạm Đăng trong việc chung tay cùng Nhà nước bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Quần thể Di tích Cố đô Huế”, ông Trung nói.

Tại lễ khánh thành, ông Phạm Đăng Diệu, đại diện gia đình họ Phạm Đăng xúc động bày tỏ lòng tri ân và gửi lời cảm ơn đến UBND tỉnh, thành phố Huế và Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình được tham gia vào bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ. “Đây là công trình thể hiện lòng biết ơn đến tổ tiên và các bậc tiền nhân của dòng họ Phạm Đăng”, ông Phạm Đăng Diệu bày tỏ.

Công trình khởi công vào ngày 13/6/2023, được thi công, thực hiện cẩn trọng để không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. Đến nay, công trình đã hoàn thiện với các hạng mục: Trụ biểu, Hồ Tân Nguyệt và hệ thống cống đối lưu, sân nền, bậc cấp trước lăng, sân nền tự nhiên, cổng, vòng tường thành ngoại và tường thành nội. Di tích được tôn tạo khang trang xứng tầm công lao cống hiến của Hoàng Thái hậu Từ Dũ đối với lịch sử của dân tộc.

Dự án hoàn thành góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc - cảnh quan - văn hóa của lăng vua Thiệu Trị, xứng đáng là tài sản văn hóa quý báu của nhân loại đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Từ đây, du khách tham quan sẽ có thêm một điểm đến vô cùng hấp dẫn, từng bước nâng cao giá trị khai thác du lịch, làm tăng ưu thế cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với định hướng Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo Nghị Quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

 

* Sáng 7/6, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, Huế), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã khai mạc Triển lãm mỹ thuật văn hóa Phật giáo – Festival Huế 2024. Đến dự khai mạc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

 

Triển lãm giới thiệu 110 tác phẩm của 20 tác giả - là những họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng tại Huế cũng như cả nước. Các tác phẩm trưng bày được chế tác bài bản, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và thể loại, được làm bằng chất liệu tranh sơn mài, gốm sứ, đồng, đá cuội và các chất liệu truyền thống khác.

 

Những tác phẩm về văn hóa Phật giáo thông qua hình tượng hoa sen, mang giá trị nội dung, tư tưởng cũng như triết lý của đạo Phật gắn liền với sinh hoạt thường nhật của con người, là một phần trong chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra trong Tuần lễ Festival Huế 2024.

Triển lãm lần này quy tụ nhiều họa sĩ có kinh nghiệm trong nghề, cũng như những họa sĩ trẻ đầy sáng tạo và nhiệt huyết. Các tác giả đã đặt tâm mình vào trong từng nét hoạ, gởi nhiều ngôn ngữ vào đó để tạo nên những tác phẩm độc đáo, có sức thu hút như: Vũ điệu sen, Vùng tráng lệ, Giao hưởng trắng, Sen pháp lam, Dấu tịnh, Vọng xưa, Miền Hạnh phúc, Chuyện của Sen. Những bức họa hàm chứa triết lý Phật giáo như: Tìm đến cái không, Bước chân hành giả, Về phía ánh trăng, Đóa hoa vô thường, Phản tỉnh, Bến giác, Thị hiện, Thong dong, Tọa thiền, Pháp thuyền, Chuyển kiếp, Nông tịnh, Liên Ngư, Giao lộ, Hoa đăng. Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, thể hiện tính nhân văn của đạo Phật gắn kết với đời sống sinh hoạt thường nhật của con người. 

Những tác phẩm nghệ thuật văn hóa Phật giáo được triển lãm sẽ là một điểm nhấn quan trọng, kéo dài đến hết Tuần lễ Festival Huế 2024.

* Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) cho tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, lực lượng công an toàn tỉnh đã triển khai các phương án với mục tiêu cao nhất: “An toàn cho du khách, đảm bảo sự yên tâm cho người dân”.

 

Nhiều phương án đảm bảo ANTT cho sự kiện quan trọng này đã được toàn lực lượng công an tỉnh đến cơ sở đặt ra, nhưng như lời khẳng định của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh, quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đến cơ sở đã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không để đột biến bất ngờ.

Phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; an toàn phòng chống cháy nổ… với một quyết tâm chính trị cao nhất là bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các hoạt động tại tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Để đạt mục tiêu này, cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng luôn nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, nhạy bén trong xử lý vụ việc; tác phong, thái độ nhân văn, chuẩn mực, vì Nhân dân phục vụ; chấp hành nghiêm điều lệnh Công an Nhân dân; góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách về con người Cố đô Huế thân thiện, mến khách và thanh bình.

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội Trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) – Trật tự Công an TP. Huế cho biết: Đơn vị đã tăng cường bố trí cán bộ, chiến sĩ túc trực làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các địa điểm diễn ra sự kiện chính của tuần lễ festival năm nay, nhằm phối hợp với công an các phường điều tiết giao thông, đảm bảo phương tiện được lưu thông thông suốt trên các tuyến và không bị ùn ứ, tắc đường. 

Các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đến cơ sở tổ chức ra quân tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm về hình sự, ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng; phối hợp với Sở Du lịch kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. 

Trong đó, chú trọng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường tại cơ sở lưu trú, các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, không để tình trạng cò khách, nâng ép giá, gây khó khăn, phiền hà cho du khách khi đến Huế.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh phối hợp kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; bảo đảm ANTT, an toàn giao thông (ATGT) tại các điểm đầu mối giao thông như bến xe, nhà ga, các điểm diễn ra các chương trình lễ hội; tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC tại các bến xe, bãi đỗ xe, phương tiện chở khách và hàng hóa. 

Lực lượng công an còn tăng cường tuyên truyền đến người dân và du khách nâng cao ý thức, ứng xử văn hóa, văn minh lịch sự, chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia. Qua đó, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa khi đến Cố đô Huế dự tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024. 

Tại cuộc họp triển khai phương án đảm bảo ANTT dịp Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế năm 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng, diễn ra rất nhiều chuỗi hoạt động lớn và dự kiến có rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến dự; thu hút hàng vạn du khách và người dân đến với lễ hội.

Do vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Công an tỉnh với vai trò chủ công phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể tập trung tham mưu cho UBND tỉnh bảo đảm ANTT trong mọi tình huống; góp phần thành công chung tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Một số chương trình, hoạt động diễn ra trong ngày 8/6:

- Khai mạc Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” vào lúc 16h tại Trung tâm Văn hóa Thông tin Tỉnh Thừa Thiên Huế - 41A Hùng Vương, phường Phú Hội, thành phố Huế.

- Lễ hội Bia vào lúc 16h30 ngày 8/6 tại số 1 Hà Huy Tập, TP. Huế

- Lễ hội ẩm thực chay vào lúc 17h các ngày 8-9/6 tại Nghênh Lương Đình

- Lễ hội Ánh sáng vào lúc 18h từ ngày 8-20/6 (trừ ngày 9 và 12/6) tại Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương, Đại Nội Huế

- Dạ yến Hoàng cung vào lúc 18h30 ngày 8/6 tại Sân điện Cần Chánh

- Triển lãm “Văn hoá Phật giáo- Festival Huế 2024” tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán Huế

- Lễ hội Sóng nước Tam Giang từ ngày 8-10/6 tại huyện Quảng Điền

- Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tại Công viên 3/2 và Bia Quốc học.

Ban Tổ Chức Festival Huế