Thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động Festival Huế 2024 của UBND tỉnh TT Huế, tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện chính trị quan trọng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Lễ hội Áo dài Huế 2024 tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc.
1. Tên gọi và Chủ đề:
Lễ hội Áo dài Huế 2024 “Linh Phụng”
2. Hình thức nghệ thuật thể hiện:
Lễ hội Áo dài Huế 2024 là chương trình nghệ thuật độc đáo, với thời trang + hát + múa + nhạc, những giai điệu âm nhạc Huế truyền thống - hiện đại được hòa âm, phối khí mới (remix); những vũ điệu được lấy tứ từ những điệu múa cung đình. Qui tụ các nhà thiết kế áo dài tên tuổi trên cả nước, đặc biệt tập trung Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh với những bộ sưu tập áo dài đặc biệt, lấy cảm hứng sáng tạo từ hình tượng “Phụng” trong trang trí kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn kết hợp với vẻ đẹp trang phục áo dài Việt Nam hiện đại. Gắn với chuyện kể về chim phụng hoàng, biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp, sự duyên dáng, đức hạnh và hạnh phúc.
3. Kết cấu chương trình:
Gồm 03 chương. Chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim phượng, một trong tứ linh:
1. Phụng vũ: Phụng vươn cánh bay trong những áng mây lành, lướt trên sóng nước, về nhảy múa trên cây ngô đồng..thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an. Chim phụng báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc, cảnh thịnh trị đất nước.
2. Linh phụng: Theo truyền thuyết, phụng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị. Là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Tự thân hình tượng phụng đã là một hình ảnh nhẹ nhàng, tao nhã với những ý nghĩa tinh thần sâu lắng và cao quý. Phụng như hòa mình cùng hoa trái, trở nên gần gũi mà vẫn linh thiêng, quý phái. Phụng rất hợp với hoa trái... Mai hóa phụng, Cúc hóa phụng và mây ngũ sắc, Lan hóa thành chim Phụng, Mẫu đơn đỏ hóa phụng... tạo ra một sự kết hợp sinh động, bộc lộ bao gửi gắm của người xưa về cuộc sống an nhàn, thanh tao, đầm ấm, nhấn mạnh tính “hóa” đầy triết lý.
3. Bách phụng cát tường: Trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, gắn với chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỷ… được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của triều đại thái bình...Cuộc sống hạnh phúc của người dân gắn liền với thiên nhiên: mưa thuận - gió hòa; với mùa màng thuận lợi; với cuộc sống cộng đồng - xã hội, thái bình - thịnh trị, quốc thái dân an. Gắn kết với những tà áo dài qua năm tháng của một thành phố đẹp tráng lệ mà cũng thực hào hùng…
Trong văn hóa Việt, hình tượng Phụng (phượng hoàng) xuất hiện từ rất sớm, một hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Có người cho rằng, hình tượng chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn chính là sự khắc họa có tính điển hình đầu tiên. Đó là loài chim thần, đang bay lượn trong điệu múa của vũ trụ để vạn vật sinh sôi và hòa hợp. Phụng hoàng múa là biểu trưng của vũ trụ đang vận hành.
Hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Tại kinh đô Huế, toàn bộ phần kiến trúc gỗ bên trên cổng chính Ngọ Môn của Hoàng thành có tên là lầu Ngũ Phụng. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí này là phụng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Phụng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an.
Chương trình Áo dài “Linh Phụng” diễn ra ở Cửa Hiển Nhơn Hoàng thành Huế, được đánh giá là cửa đẹp nhất trong số 13 cửa - bởi có nhiều hoa văn, họa tiết được chạm trổ tinh xảo. Các chi tiết trang trí này được phân bố với một mật độ khá dày đặc, nhưng hài hoà cả về màu sắc, bố cục mang đến cho cửa một nét kiến trúc tráng lệ độc đáo. Cách dàn dựng và biểu diễn ở không gian này sẽ góp phần gia tăng cảm xúc, sự tương tác và trải nghiệm của người dự xem chương trình.
Tổng số nhà thiết kế tham gia chương trình: 12 nhà thiết kế. Các nhà thiết kế không hình thành chuyên biệt 1 bộ sưu tập theo một chủ đề, mà có thể tham gia các bộ áo dài theo câu chuyện kể. Mỗi bộ sưu tập áo dài là một tác phẩm gắn với nội dung câu chuyện kể.
Tổng thời lượng chương trình: 80-90 phút.
Địa điểm: Nhà hát Sông Hương, 01 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, TP Huế.
Thời gian tổ chức: 20-21g30 ngày 23.9.2024, trực tiếp truyền hình trên sóng VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam.
Thực hiện & Trình diễn:
Các Nghệ sĩ; Ca sĩ; Vũ công; Các Hoa hậu - Người đẹp; Người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên; Các diễn viên quần chúng; Các nhà thiết kế tên tuổi thời trang áo dài có thương hiệu trên toàn quốc: Vũ Việt Hà; Quang Huy; Đức VinCie, Hữu Là La; Trần Thiện Khánh; Quang Hoà; Viết Bảo; Xuân Hảo, Đoan Trang, Cẩm Sa; La Mua, Về miền Hương ngự…
Hoạt động đồng hành: Khuyến khích Khách mặc trang phục Áo dài dự xem chương trình.
Thông tin chi tiết liên hệ:
Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2024, ĐT 0914851394
Kịch bản và Tổng đạo diễn Quang Tú 0983236181
Đơn vị sản xuất: Song Hà Media, ĐT 0948118406 (Biện Lan)