menu_open
Cập nhật: 14/05/2024 1:48:38 CH
Xem cỡ chữ:
Khai thác du lịch từ những cuộc thi của sinh viên
Nhiều cuộc thi được Đại học Huế tổ chức đã thu hút hàng ngàn thí sinh trong nước và quốc tế tham gia, đóng góp thêm cho sự phát triển của du lịch.
Các thí sinh đến Huế kết hợp tham quan du lịch 
Nhiều cuộc thi được Đại học Huế tổ chức đã thu hút hàng ngàn thí sinh trong nước và quốc tế tham gia, đóng góp thêm cho sự phát triển của du lịch.
Các thí sinh đến Huế kết hợp tham quan du lịch 

Hàng ngàn sinh viên đến Huế

Những ngày cuối năm 2023, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế rộn ràng khi Kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 32 - Procon Viet Nam 2023 và Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ICPC Asia Hue City 2023 do Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Cuộc thi đã thu hút hơn 600 sinh viên đến từ các học viện, trường đại học, cao đẳng trên cả nước và các đại học danh tiếng của 6 quốc gia: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines tham gia.

Đến Huế tham dự hai kỳ thi, các thí sinh còn kết hợp tham quan hệ thống di sản Huế; trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo, những tour tuyến mới, trải nghiệm ẩm thực ở Huế... Hàng trăm phòng lưu trú đã được sử dụng với thời gian 3 ngày 2 đêm... Đặc biệt, các thí sinh quốc tế đến Huế đã rất ấn tượng và khẳng định sẽ chia sẻ những ấn tượng đó lại với bạn bè, người thân sau khi về nước về một vùng đất đẹp, có nền văn hóa đặc sắc.

Không lâu sau đó, tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tiếp tục diễn ra cuộc thi “Hue-ICT Challenge 2024” vòng chung kết phần thi lập trình dành cho học sinh các trường trung học. Vượt qua hơn 2.100 thí sinh của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước ở vòng sơ loại, 396 thí sinh của 34 tỉnh thành, thành phố xuất sắc nhất đã đến Huế. Dù thời gian diễn ra trong 1 ngày, song nhiều hoạt động tham quan di sản cũng đã được kết hợp tổ chức. Nhiều thí sinh đến sớm, kết hợp tham quan du lịch với gia đình.

Mới đây nhất là Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV - HUSC 2024 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trường đại học Khoa học, Đại học Huế phối hợp tổ chức trong tháng 4/2024. Đây là hoạt động của Lễ hội Mùa hạ nằm trong chuỗi chương trình chung của Festival Huế 2024. So với các festival trước, số lượng thí sinh tham gia nhiều nhất, lên đến 1.000 giảng viên, sinh viên kiến trúc của 26 trường đại học trên toàn quốc và 3 trường nước ngoài từ Thái Lan, Nhật Bản.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ, festival không chỉ là nơi để các sinh viên kiến trúc thể hiện tài năng, mà còn là cơ hội để giao lưu, học hỏi với bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc. Trong 4 ngày đêm diễn ra festival, đã có hàng chục hoạt động, văn nghệ, thể thao, hội thảo, tọa đàm, các chương trình tham quan, kết hợp du lịch được tổ chức. Tất cả giảng viên và sinh viên đều tham gia “city tour” khám phá TP. Huế; những tour tuyến du lịch khác cũng được kết hợp tổ chức trong những ngày diễn ra festival. Lễ hội đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng của TP. Huế, tăng cường hợp tác phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo, đóng góp cho sự phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Nhiều tiềm năng để khai thác

Tham gia Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV - HUSC 2024, sinh viên Trần Cao Kỳ Anh, Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành  phố Hồ Chí Minh ấn tượng, đây là lần đầu tiên mà sinh viên này đến với Cố đô Huế - thành phố với hệ thống di sản đồ sộ, có chiều sâu về văn hóa truyền thống. So với Thành phố Hồ Chí Minh náo nhiệt, sầm uất và cả sự xô bồ thì Huế lại nhẹ nhàng, thanh bình đến khác biệt. Có cơ hội, Trần Cao Kỳ Anh sẽ trở lại Huế sớm, để tiếp tục có những trải nghiệm khác ở thành phố xinh đẹp này.

TS.KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tâm đắc, Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV - HUSC 2024 góp phần cho Huế và cả nước có thêm những gợi mở về bảo tồn, phát huy nền văn hóa đặc sắc, đậm đà, nhưng còn nhiều tiềm năng chỉ mới ở dạng lưu trữ trong thời gian dài. Lễ hội cũng đã góp phần xây dựng thương hiệu thành phố festival độc đáo của Việt Nam; thêm một loại hình festival trong dòng chảy khơi nguồn sáng tạo, xây dựng nền “công nghiệp văn hóa” đặc sắc, cùng dân tộc đi vào tương lai bằng nội lực bền vững.

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, hiện nay, quy mô đào tạo của Đại học Huế là khoảng 60 ngàn sinh viên chính quy. Là đại học vùng nên hàng năm, Đại học Huế tổ chức hàng chục cuộc thi uy tín, mang tầm quốc tế, quốc gia; tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, với sự tham gia của hàng ngàn đại biểu. Khi đến Huế, bên cạnh tham gia các hoạt động chuyên môn, hầu hết các đại biểu, thí sinh đều kết hợp tham quan du lịch, sử dụng các dịch vụ du lịch. Điều đó góp phần cho sự phát triển của du lịch Cố đô. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Đại học Huế và ngành du lịch trong khai thác, cung ứng dịch vụ, đây sẽ là nguồn khách tiềm năng không nhỏ cho du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng đã nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước; trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; trung tâm khoa học và công nghệ; trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với lợi thế có các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trên địa bàn, phát triển các loại hình du lịch giáo dục, du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch thiện nguyện… được đặt ra và thúc đẩy trong thời gian đến.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Báo Thừa Thiên Huế