menu_open
Cập nhật: 14/12/2021 11:38:47 SA
Xem cỡ chữ:
Nghề làm bánh bao ở An Truyền
Làng An Truyền có 85% hộ làm, hoặc nhận bánh bao đi bán dạo. Nhà nhà kinh doanh nghề bánh bao, là một nét đặc trưng độc đáo trong cuộc mưu sinh ở ngôi làng đầm phá này.
 Một hộ gia đình ở An Truyền đang làm bánh bao (Ảnh: Vũ Hào)
Làng An Truyền có 85% hộ làm, hoặc nhận bánh bao đi bán dạo. Nhà nhà kinh doanh nghề bánh bao, là một nét đặc trưng độc đáo trong cuộc mưu sinh ở ngôi làng đầm phá này.
Một hộ gia đình ở An Truyền đang làm bánh bao (Ảnh: Vũ Hào)

Xuôi ngược mưu sinh

Đến bây giờ vẫn chưa có cách giải thích thấu đáo về cái tên “làng Chuồn”. Làng Chuồn là cách gọi dân gian tiếng Nôm của làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Theo “Phủ biên tạp lục” đây một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm, cách TP. Huế khoảng 10 km theo hướng Đông bắc, bên bờ Tây phá Tam Giang. Trước năm 1990, hầu hết các hộ dân làng An Truyền sống bằng nghề nuôi heo, nấu rượu, làm bánh tét, buôn bán thủy sản. Nông nghiệp không đáng kể vì ruộng ít. Trái lại ngư nghiệp phát triển, nuôi tôm, đánh cá nước lợ, nò sáo trên đầm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn. Đường sá đi đến làng An Truyền dễ dàng, từ khi Thừa Thiên Huế mở ra các tour tuyến du lịch sinh thái đầm phá.

Dân số khoảng 1.100 hộ, trong làng ngõ xóm được gọi theo số thứ tự từ 1 - 13. Từ khu vực đình làng và chợ trở ra khu Đồng Miếu sát bờ phá Tam Giang được gọi nôm na là khu định cư (đa số là dân vạn đò lên bờ). Bây giờ nhà cửa ở làng san sát giống thành phố, bởi có đến 40% nhà ở đây là nhà tầng. Trong danh mục đặc sản ẩm thực Huế, làng An Truyền đứng hàng đầu với nhiều đồ ăn, thức uống truyền thống nổi danh như rượu gạo, bánh tét, bánh xèo cá kình.

Hàng ngày, trong làng buổi sáng khá vắng vẻ, trừ chợ làng là đông người. Từ 4 - 5 giờ sáng, người phụ nữ ở đây kẻ xe đạp, người xe máy, chở cá, chở bánh tét, chở rượu đi bán xa gần, đến trưa mới về. Nghề truyền thống ở đây là phụ nữ buôn bán cá, với 70% số hộ có người theo nghề này, mẹ truyền con nối. Khoảng 15 năm trở lại đây làng An Truyền “nở rộ” nghề làm, bán bánh bao. Nói về nghề này, ông Đoàn Văn Rô, trưởng làng cho biết: “Theo thống kê dân số và nghề nghiệp năm 2014, đến nay cả làng có hơn 300 người theo nghề làm, bán bánh bao. Chưa tính số người làng hiện đang tạm trú để mưu sinh bằng nghề này tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, thậm chí sang cả Lào. Bạn thử đi trên các con đường dẫn vào làng Chuồn như tỉnh lộ 10, QL 49, tỉnh lộ An Vân Dương - Thuận An, đường Phạm Văn Đồng, mỗi buổi chiều vào tầm 3 - 4 giờ, sẽ thấy từng đoàn xe máy, xe đạp mang thương hiệu bánh bao An Truyền nối đuôi nhau xuôi ngược khắp mọi nẻo”.


 Xe bánh bao bán dạo trên phố (Ảnh: Vũ Hào)

Mỗi chiếc “kẹp” hai thùng: một thùng gỗ đựng bánh, thùng còn lại là nồi hấp bánh tỏa mùi thơm phức, than hồng đỏ rực. Vừa ra khỏi cổng làng, đoàn xe chia ra nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt là việc chạy xe đi bán bánh bao hầu hết đều do đàn ông đảm nhận.

Lấy công bù lãi

Đúng như thế, làng này 85% gia đình đều có người làm, hoặc nhận bánh bao đi bán dạo. Bất kể già trẻ, lớn bé đều làm bánh bao. Anh Bùi Văn Huệ, bị mù bẩm sinh, vẫn làm bánh bao thành thạo phụ với vợ. Nhà nhà kinh doanh nghề bánh bao, là một nét đặc trưng độc đáo trong cuộc mưu sinh ở ngôi làng đầm phá này. Ngày nay, các lò bánh đã đầu tư hệ thống máy móc để sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn. Làm bánh bằng máy đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá mỗi chiếc bánh thơm ngon chỉ bán giá bình dân 5 - 10 nghìn đồng.


 Bánh bao ngon lành, giá cả bình dân (Ảnh: Vũ Hào)

Đi bán bánh bao cực khổ không khác gì bán cà - rem ngày xưa. Xứ Huế sáng nắng, chiều mưa hay ngược lại, dãi dầu như thế không đau ốm mới lạ. Ấy là chưa kể, đi bán khi mặt trời chưa mọc cho kịp học sinh vào lớp, công nhân vào ca kíp. Rồi bán hết bánh cũng vừa lúc sương khuya rơi ướt đẫm vai áo. Đường về nhà rất xa, ít nhất cũng 15 km, tính từ TP. Huế. Vui nhất, anh Minh kể, đi bán trong các nhà hàng, quán nhậu. Gặp khách hào phóng, mua giúp cả chục chiếc, lại còn bo hết tiền thừa.

Đùm bọc lẫn nhau, người làng vốn có tình đoàn kết rất cao. Đi đâu mà nghe xưng danh dân làng Chuồn là hết lòng, hết sức giúp đỡ, bao bọc. Cho nên từ khi chỉ có hai, ba nhà biết làm bánh bao, giờ đây họ vẫn bày vẽ cho nhau bí quyết, để cả làng cùng làm, cùng bán. Đi bán trên đường đụng đầu nhau, là nhường nhịn, san sẻ miếng nước uống, điếu thuốc hút. Giàu cùng giàu, nghèo cùng nghèo, đó là tính cách của những người làng bánh bao.

Cô Hồ Thị Liên, chủ lò bánh bao Thanh Liên chia sẻ: “Mỗi chiếc bánh bao được làm từ nguyên liệu khác nhau, trong đó bột mì, trứng, thịt heo là những nguyên liệu chủ yếu. Bánh bao mềm và có mùi thơm đặc trưng. Khách đòi hỏi khi bánh mua về nhà đã nguội vẫn mềm thơm”.

Giờ đây cả trăm hộ làm bán bánh bao làng An Truyền tính ra không còn hộ nào thiếu đói. Có của ăn, của để nuôi con cái ăn học. Nghề làm bánh bao cải tiến bằng máy móc cũng đỡ vất vả. Về nguyên liệu, dân làng đặt mua với số lượng lớn: su hào, cà rốt, hành lá, trứng, bột trên thành phố. Có xe tải chở về giao hàng tận mỗi nhà. Theo tính toán, ngày ít ngày nhiều, trừ mọi chi phí cũng thu nhập được khoảng 150.000 đồng, với công sức họ bỏ ra. Nghề làm bánh bao ở An Truyền đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân nơi đây những lúc nông nhàn.

Xem thêm: Bánh bao làng Chuồn (Phóng sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế)

(Theo Vũ Hào/ Làng Việt)