menu_open
Cập nhật: 10/03/2023 11:38:42 SA
Xem cỡ chữ:
Làng nghề rèn Hiền Lương
Dọc theo bờ Bắc con sông Bồ, đoạn chảy qua xã Phong Hiền, huyện Phong Điền ngày ngay, là nơi có làng nghề rèn Hiền Lương rất nổi tiếng.
Dọc theo bờ Bắc con sông Bồ, đoạn chảy qua xã Phong Hiền, huyện Phong Điền ngày ngay, là nơi có làng nghề rèn Hiền Lương rất nổi tiếng.
Địa chỉ: xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận Làng nghề và Làng nghề Truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016
Giới thiệu:

Làng Hiền Lương xưa có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được thành lập vào năm 1445 dưới triều vua Lê Nhân Tông. Đến đầu năm 1841, do tên làng trùng với tên húy Thái hậu Hồ Thị Hoa, mẹ của vua Thiệu Trị, nên triều đình cho đổi thành Hiền Lương – nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có nghề rèn nổi tiếng xứ Thuận Hóa, từ ngôi làng này, người Hiền Lương đã đem nghề rèn đến với nhiều làng quê khác trong vùng, lần hồi vào đến các tỉnh phía Nam, đem nghề rèn đóng góp nhiều ích lợi cho việc xây dựng giang sơn, bảo vệ bờ cõi, phát triển đất nước. Bởi vậy mà làng Hiền Lương còn được gọi với cái tên thân thương: Làng Rèn. Và người có công đưa nghề rèn đến với Hiền Lương được phong làm Tổ sư, được hậu thế lập đền thờ.

Lịch sử hình thành:

ban đầu, làng Hiền Lương sống bằng nghề nông. Đến đầu thế kỷ 17, hội đồng hương tộc của làng chấp thuận cho nhập thêm một nhóm dân cư mới, gọi là hậu tập. Trong nhóm hậu tập ấy có một vị biết làm nghề rèn, ông chuyên rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do nhu cầu đòi hỏi của xã hội nông nghiệp bấy giờ, đặc biệt là những năm tháng khai hoang khẩn đất, xây dựng làng xã, chống chọi với tai ương chướng khí, thú dữ và mọi kẻ thù, nghề rèn ở Hiền Lương dần dần phát triển. Quả nhiên đúng như câu nói: “Ruộng đất bề bề không bằng có nghề trong tay”. Thấy được ích lợi của nghề rèn, thuở ấy cứ vào buổi nông nhàn, người trong làng theo học nghề rèn rất đông. Từ đấy, làng Hiền Lương bắt đầu được mọi người trong vùng biết đến với tư cách là một ngôi làng cổ có nghề rèn nổi tiếng của xứ Thuận Hóa.

Làng rèn Hiền Lương ban đầu xuất phát từ nhu cầu trong sản xuất vật dụng, phục vụ đời sống của người dân sở tại nhưng sau dần phát triển thành nơi sản xuất đồ gia dụng từ sắt thép nổi tiểng của cả vùng. Rèn Hiền Lương là nơi chuyên sản xuất các nông cụ từ sắt thép như: cày, cuốc, liềm, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay… Dưới thời các Chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, và cả nhà Nguyễn sau này, làng Rèn Hiền Lương là trung tâm sản xuất binh khí vật dụng phục vụ vua quan và quân đội.

Nét đặc trưng:

Theo sử sách thì dưới triều Tây Sơn, nhiều thợ rèn Hiền Lương tham gia quân đội, rèn gươm giáo cho nghĩa quân Tây Sơn, trong số ấy có một người họ Hoàng được tuyển chọn để rèn gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ.

Dưới thời nhà Nguyễn, những trai đinh trong làng đã được tuyển mộ vào Dã Tượng cuộc (một tổ chức thợ rèn của nhà nước). Một số người xuất sắc trở thành những vị quản lý, đốc công ở những cơ sở này hay Sở Vũ khố của bộ Công như:  Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc.. Đặc biệt, ông Hoàng Văn Lịch đã làm cho nghề rèn Hiền Lương vang danh khắp thiên hạ. Năm 1840 ông với các binh tượng của triều đình đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam. Sau sự kiện này, ông được phong tước Lương Sơn Hầu và được xem là người khởi đầu nghề cơ khí của Việt Nam.  

Vào cuối thế kỷ 19, theo Chiếu Cần vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương hăng hái tòng quân lên chiến khu Tân Sở, mở lò sản xuất vũ khí chống Pháp. Đầu thế kỷ 20, nhiều thợ rèn Hiền Lương trở thành những người thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại Trường Bá công (Bách công kỹ nghệ thực hành đầu tiên của Việt Nam) được lập tại Huế dưới triều vua Thành Thái…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con dân Hiền Lương làm cách mạng, đem nghề rèn phục vụ kháng chiến cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa tiêu biểu như các vị Hoàng Trình, Trương Công Cẩn, Hoàng Ngọc Diêu, Dương Phước Phùng...Có người như ông Trần Hữu Nam vừa hoạt động cách mạng vừa đem nghề rèn dạy cho người dân miền núi Thừa Thiên, nên được dân kính trọng gọi bằng danh xưng thân thương: “Ông Cu Đe”... Từ người thợ rèn đi làm cách mạng, về sau họ trở thành những tướng lĩnh, cán bộ trung, cao cấp của Đảng, quân đội, Nhà nước... Và cũng chính nhờ nghề rèn truyền thống mà con dân Hiền Lương sớm được học hành đỗ đạt: thời Hán học đã có nhiều người đỗ đại khoa, cử nhân, tú tài; thời hiện đại nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo... đều không quên cái gốc con dân làng rèn.

Những năm gần đây, trong công cuộc đổi mới đất nước, rất nhiều người con của làng rèn Hiền Lương sống ở mọi miền Tổ quốc đã được phong “Nghệ nhân Bàn Tay Vàng” nhờ có kỹ năng nghề rèn – cơ khí tinh xảo, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống Hiền Lương. Nhiều doanh nghiệp cơ khí của người Hiền Lương được thành lập và làm ăn phát đạt.

Với bề dày truyền thống và những đóng góp to lớn, làng rèn Hiền Lương đã được UBND tỉnh công nhận Làng nghề và Làng nghề Truyền thống theo quyết định 971/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2016 về việc công nhận Làng nghề, Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hướng dẫn trải nghiệm:

Từ năm 2010 đến nay, với chủ trương “đỏ lò” để bảo tồn những kỹ thuật rèn của làng và để phục vụ du khách tới tham quan, làng rèn Hiền Lương bắt đầu đón những tour du lịch tại gia, tham quan làng nghề. Đây là loại hình đang thu hút khách ở các tour du lịch, lữ hành hiện nay. Tại Huế cư dân làng còn tập trung một xóm nghề rèn, nghề sắt tại làng Bao Vinh, Hương Trà. Dẫu lập nghiệp nơi đâu, hằng năm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, dân nghề rèn Hiền Lương vẫn trở về, nô nức tập trung làm lễ tế tổ sư và tiên sư của nghề tại làng cũ.

Video Youtube:
Bản đồ:
Tọa độ X: 107.385768
Tọa độ Y: 16.5710714
Khám phá Huế tổng hợp