menu_open
Cập nhật: 01/09/2019 1:43:01 CH
Xem cỡ chữ:
Lễ Rước Hến
Lễ rước hến được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm, tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Đây là một loại lễ hội theo phong tục, có tính chất hương lễ, chỉ có dân làng phường Giang Hến cử hành và tham dự.
Ảnh minh họa
Lễ rước hến được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm, tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Đây là một loại lễ hội theo phong tục, có tính chất hương lễ, chỉ có dân làng phường Giang Hến cử hành và tham dự.
Ảnh minh họa

Lễ rước hến là một tục lệ của làng Cồn Soi - phường Giang Hến (thuộc xã Phú Xuân cũ) nay thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ba năm một lần làm lễ lớn, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, ngày chính lễ là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Năm thường thì làm tiền lễ (chỉ đi rước) và cây Phan giữa sông sẽ nhỏ hơn, không có điểm hội đồng như đại lễ.

Tương truyền, Niên hiệu Thành Thái thứ 4 (Nhâm Thìn 1892) ở phường Giang Hến có bà Trần Thị Thẹp đi "tròng" (thuyền nhỏ) ra dũi hến ở vùng sông trước đình Hương Cần (huyện Hương Trà), bị hương lý xã kéo ra bắt, đưa "tròng" của bà Thẹp lên bờ đòi chịu nộp thuế phạt, với lý do "Hến về làng, thành hoàng về miếu". Dân phường Giang Hến hay tin, làm đơn kéo nhau đi kiện, được châu phê: "Thượng từ nguyên đầu, hạ chí hải khẩu" (Nghĩa là: Từ đầu nguồn đến cuối sông biển, ao hồ chịu thuế, sông nước được dùng).

Ðược thắng kiện, phường Giang Hến kết long đình trên thuyền, trang trí cờ lọng đi rước, châu phê xã Hương Cần phải thả bà Thẹp, đưa "tròng" của bà Thẹp xuống nước, dân phường Giang Hến rước về tận đình phường làm lễ tạ. Dân phường cho rằng: sở dĩ làng được kiện là nhờ thần sông phù hộ, cho nên dân làng lấy ngày này làm ngày lễ tế hàng năm.

Tiến trình lễ hội bắt đầu bằng việc kết thuyền trang trí long trọng, có án thờ giữa thuyền ở đầu cồn Hến (ngã ba sông Hương). Ở giữa sông cắm cây đại phan, gọi là "Hội đồng thần kỳ" do các bô lão túc trực.

Một đoàn thuyền khác, mỗi thuyền đều trang trí cờ lọng, án thờ kết hoa, có trống, chiêng, phường nhạc bát âm, xuất phát từ "Hội đồng thần kỳ" trung tâm, toả đi hai hướng thượng nguyên và hạ nguyên gọi là cung nghinh thần kỳ sông nước các nơi.

Khi đến mỗi địa điểm, chọn nơi có điều kiện, bày hương hoa, quả phẩm, gạo muối làm lễ nghinh rước, đủ 3 tuần rượu rồi cung nghinh về điểm xuất phát. Sau đó lên bờ trở về nhà thờ họ Nguyễn (nhà thờ chung 12 họ khai canh của xã Phú Xuân) để làm lễ rước thần khai canh cùng về đình hiệp tế.

Tất cả người tham dự hội lễ toàn là nam giới, gồm các vị bô lão, trung niên và lớp thanh niên. Ðám rước thần sông nước gồm một số người mặc áo dài đen, thắt lưng bằng vải đỏ gánh án thờ chính ở điểm hội đồng. Phía trước có một số người mặc áo dài đen, thắt lưng vải đỏ, cầm chèo thuyền phân làm hai hàng, vừa đi vừa làm động tác chèo thuyền và cất giọng hò mái đẩy, có kèn trống, giàn nhạc phụ hoạ gọi là chèo cạn.

Ðoạn cuối là các chức sắc trong phường cùng với dân làng, ăn mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần. Trước khi đám rước vào đình còn phải ghé vào nhà thờ họ Nguyễn để làm lễ rước thần về hợp tế. Thần khai canh phường Giang Hến là ông Huỳnh Tương, nguyên người làng Diên Ðại, huyện Phú Vang, tới Cồn Hến lập nghiệp bằng nghề dũi hến. Vua Gia Long lên ngôi, vùng Cồn Hến được đặt tên là phường Giang Hến thuộc xã Phú Xuân.

Lễ tục do vậy mang một ý nghĩa cao đẹp của tập thể, những con người sống trên sông nước ở một vùng sông nổi tiếng ở Thừa Thiên: Cồn Hến, nơi đặc biệt sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt để làm nên món cơm hến độc đáo, ngon lành của xứ Huế./.

www.lehoi.cinet.vn
Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>