Lễ Hội Cầu Ngư là hội của nhân dân làng Thai Dương Hạ, xã Hương Hải, làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công biệt danh của Trương Thiều, người gốc miền Bắc, có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành.
Từ chiều hôm trước ngày khai mạc, hai giáp Thượng và Hạ đã bắt đầu cúng đế. Đến khuya, một buổi tế "cầu an, cầu ngư" lại được cử hành. Một vị cao tuổi trong làng thông thạo nghi lễ đọc bản văn tế. Tất cả các chủ thuyền ăn mặc chỉnh tề áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ lần lượt vào làm lễ. Phía nữ giới có một đại diện.
Hội này có lệ đặc biệt là cứ ba năm một lần tổ chức các trò diễn tả những sinh hoạt nghề biển.
Tại sân đình người ta làm "trò bủa lưới", diễn tả cách bủa lưới trên bờ. Ở mặt phía trước đình cách khoảng 100m có trình diễn trò "quệu, giạ xúc ruốc", diễn tả cảnh dùng lưới đan trên hai thanh tre chéo trước mũi thuyền đi xúc. Vào lễ, một ông chấp lệnh sau khi van vái cho dân làng được mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng, cầm khăn đỏ lót dùi trống đánh ba hồi khai mạc buổi lễ.
Ngoài sân đình, một vị cao tuổi mặc lễ phục tiến vào, đi kèm có hai chủ thuyền đầu bịt khăn đỏ, trang phục theo nghề nghiệp cùng vào lễ, nhưng hai vị này vái lạy lung tung khắp mọi phía, làm đủ mọi điệu bộ khôi hài cốt để gây cười. Một hồi trống lệnh gióng lên, các vị hành lễ đứng về một phía.
Trên bàn thờ tổ, một vị cao niên tung tiền và phẩm vật cúng xuống sân đình cho các em tranh nhau vào nhặt.
Cùng lúc đó, đám chủ thuyền khiêng một cái ghe mành cốt bằng tre, đan chắc chắn, phết giấy đỏ trên có một người ngồi, tiến vào sân đình chạy quanh đám trẻ. Lưới trên truyền được bủa vã vây lấy đám trẻ thành vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp, thuyền được khiêng chạy vòng tròn trong tiếng pháo tưng bừng nổ.
Giai đoạn "bủa lưới nậu lưới" tiếp diễn sôi nổi. Các đứa trẻ tượng trưng cho đàn cá đang ăn mồi cố tìm cách thoát ra khỏi lưới. Các chủ thuyền người thì hụ "cá", người thì ngoắc "cá" cố hết sức giữ không cho "cá" thoát lưới. Khi vòng tròn được thu nhỏ lại, các chủ thuyền vào bắt một vài "con cá" đem lên bàn cúng Thành Hoàng.
Lễ xong, một số "cá" được gánh trong trạc đưa ra bờ biển để rửa nước muối, một số cá được đem bán. Các người mua "cá" (trước kia do nam giới hóa trang mặc áo hai lớp, trong đỏ, ngoài lục, đeo bông tai) đến trả giá, mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự. Đó là nghi lễ làm trò ruỗi bộ (bán cá trên đường). Các chủ thuyền "bán cá" xong kéo nhau vào một địa điểm (có thể là sân chùa hoặc trước một miếu thờ cạnh đình) để "chia tiền cá". Họ cũng bàn tán ồn ào. "Chia tiền bán cá " xong kể như lễ tất. Mọi người tụ tập ở bờ phá để xem để xem đua trải.
Trò diễn "làm trò bủa lưới" là một hình thức "hèm" để tưởng nhớ đến sự nghiệp của vị Thành Hoàng của làng. Vì thế có thể cho đây là trò diễn trình nghề đậm đà tính chất lễ nghi.